Xin chào, cảm ơn và xin lỗi

Ba từ đơn giản phổ biến quá trong cuộc sống, được dạy từ khi chúng ta còn nhỏ, nhưng nó lại tạo ra điểm khác biệt trong cuộc sống ở VN và ở châu Âu.

Bắt đầu bằng câu chuyện về từ “cảm ơn”.  Có thể tôi không để ý lắm, nhưng khi vào các quán xá, nhà hàng, … bất cứ cửa hàng dịch vụ nào, tôi hiếm khi nghe thấy từ cảm ơn. Thirnh thoảng tôi có nghe thấy khi khách đã thanh toán xong một cái hoá đơn to to những con số. Nhưng khi đi với cô bạn thân của tôi, tôi nghe thấy nó nhiều hơn. Bất kể chúng tôi ngồi ở quán xá nào, bình dân vỉa hè đến sang trọng, cô bạn tôi luôn nói “cảm ơn” dành cho người phục vụ mỗi khi họ mang đồ ra, hay nhờ họ giúp gì. Nếu chỉ là chuyện hàng quán ăn uống thôi thì chưa đủ, cô bạn tôi luôn nói cảm ơn với bất cứ nhân viên của cửa hàng nào khi họ giúp mình. Lâu dần ngấm thành phản xạ, tôi cũng học cách nói “cảm ơn” nhiều hơn. Và không biết cái từ đó nó xa xỉ như thế nào, mà nhiều lần sau khi nói cảm ơn, tôi nhận lại được những ánh mắt tò mò từ người nhận nó. Đáng nhớ là có dịp đi làm mấy cái giấy tờ, sau khi bị quát kêu về, tôi vẫn bình tĩnh nói “em cảm ơn chị, em chào chị” khiến chị kia mắt tròn mắt dẹt nhìn, cơ mặt giãn ra và gật đầu ra hiệu chào. Trước lúc đó thì cũng cáu lắm, nhưng thôi, bỏ qua cho đỡ ôm bực vào người, và hy vọng chị kia cũng sẽ thoải mái hơn để làm việc với người kế tiếp. Lần khác là khi đi ăn ở quán phở gần nhà. 10 người gọi, 10 bát phở bưng ra nhưng khó nghe được từ cảm ơn, thế nên khi tôi nói cảm ơn bạn phục vụ (đoán chắc tầm tuổi mình) thì nhận được ánh mắt như nhìn người ngoài hành tinh kèm nụ cười bất ngờ. Cho đến giờ, tôi quen với những ánh mắt đó, cũng như những nụ cười đáp lại đầy bất ngờ. Đấy là câu chuyện về từ “cảm ơn” ở Hà Nội, một thứ khá xa xỉ  nhưng lại vô cùng bình thường ở xứ Âu châu này.

Câu chuyện thứ hai là về từ “xin lỗi”, từ này chắc còn khó tìm hơn từ “cảm ơn”. Hiện tại tôi không nhớ là tôi gặp từ xin lỗi trong tình huống nào nữa khi còn ở nhà. Nhưng ở bên này, tôi nghe từ này hoài. Hai từ “cảm ơn” và “xin lỗi” giống như hai từ cửa miệng của người dân bên này. Họ cảm ơn ai mỗi khi họ được giúp, và sẵn sàng xin lỗi nếu họ làm phiền người khác, nhất là lúc đi trên bus, đi siêu thị hay ngay cả đi ngoài đường. Có lần tôi đi bộ thì trước mặt có hai người cũng lớn tuổi đi cùng nhau, chắn luôn đường vượt lên của tôi. Trong khi tôi đang loay hoay đi chậm lại để tìm cách vượt thì người phụ nữ quay lại, nhìn thấy tôi và nhận ra họ đang chắn đường. Ngay lập tức người phụ nữ kéo người đàn ông đi  cùng sang một bên, ra dấu hiệu mời tôi đi lên và rối rít xin lỗi. Tôi nghĩ cảnh này nếu diễn ra ở nhà mình, thì chắc tôi sẽ tự tìm cách vượt lên thôi. :D Lần khác là khi bác chủ nhà người Việt của tôi quên chìa khoá cửa chính, và gọi điện nhờ tôi mở cửa giúp. Lúc đó cũng tầm 9 rưỡi sáng, và trong suốt cuộc điện thoại ngắn đó, tôi nghe nhiều lần từ xin lỗi vì làm phiền tụi cháu, và cảm ơn cháu nhiều. Lúc đó tôi cũng bất ngờ vì đây cũng là việc vô cùng nhỏ. Và ngay chính trong gia đình của bác chủ nhà, trong những cuộc nói chuyện giữa hai bác và các con cũng có rất nhiều “cảm ơn” và “xin lỗi” không chỉ từ phía tụi nhỏ mà từ chính phía hai bác. Lâu dần thì cũng nhận ra, bất cứ khi nào mình (cảm thấy) làm phiền, ảnh hưởng tới ai đó dù lớn hay nhỏ thì cũng nên xin lỗi. Đây là một phần trong văn hoá ứng xử của người dân bên này, đề cao sự tôn trọng lẫn nhau; thứ tạo nên sự văn minh của người phương Tây.

Cuối cùng là câu chuyện về “chào”. Như đã nói ở trên, chào, cảm ơn và xin lỗi là 3 từ thông dụng dùng trong cuộc sống của người dân nơi đây. Vậy nên khi mình đặt chân đến nước họ thì cũng ít nhất học 3 từ này theo ngôn ngữ của họ. “Nhập gia tuỳ tục”, các cụ nhà mình đã nói thế, mình cũng cần học theo. Điều này tôi cũng mới bắt đầu thực hiện trong chuyến đi Séc vừa qua. Tới đây cũng sẽ cố gắng thêm vài ngôn ngữ nữa trong những chuyến đi sắp tới.

Câu chuyện ngoài lề về từ “cảm ơn”, đó là về thái độ phục vụ của các cửa hàng bên này. Bạn vào xem đồ, chọn đồ, nếu đi shopping thì thử đồ chán chê rồi đi ra không mua gì, nhân viên bán hàng vẫn rất niềm nở cảm ơn và chào bạn. Còn ở Việt Nam mà thế này thì cứ xác định đi. :) Không phải 100% cửa hàng bên này đều thế, và cũng có một vài cửa hàng ở HN rất nice với khách hàng, nhưng nhìn chung là đi mua đồ gì bên này cũng sướng hơn vì mình được là thượng đế theo đúng nghĩa.

Merci pour la lecture!

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.